Phước Lộc Thọ là ba chữ tóm gọn ước mơ của con người thời nông nghiệp, nhưng đến nay, ta vẫn còn thấy trên một số thiệp chúc Tết, hoặc lịch chúc Tết nhắc đến với ba chữ Hán hoặc ba chữ quốc ngữ... nghe qua ai cũng hiểu đại khái là chúc lành.
Tượng khắc bằng gỗ hoặc bằng sành sứ về ba ông này được xem như món trưng bày thanh lịch, giàu nghèo sang hèn đều dùng được, như là những ước mơ từ xưa của ông bà để lại.
Theo lời chúc mừng thì phước là đông con. Ông Phước đứng một bên, lắm khi thêm đứa bé ẵm bồng trên tay. Thời nông nghiệp, chưa cơ giới hoá, sức kéo là quan trọng. Con trâu, con bò kéo cày, nhưng kẻ đông con, vào lúc nông nghiệp lạc hậu, đất ít, người đông thì con cái dâu rể còn là sức lao động đáng kể để không cần mướn lao động ngoài gia đình.
Con đông là có phước. Khi gặp bất trắc, ít ra cũng còn có một hai đứa giữ ruộng đất hoặc quan trọng hơn là nuôi cha mẹ lúc về già. con cháu, dâu rễ là người già sẽ hưởng một số " trợ cấp hưu trí". Vì ham con cháu nên khi xưa lắm người mới hơn 50 tuổi mà đã có cháu nội, cháu ngoại.
Lộc là bổng lộc, cụ thể là làm quan. Ông Lộc này hiện rõ nét với cái mão cánh chuồn, tay cầm hốt để che mặt khi chầu vua. Ruộng ít dân đông chỉ còn một cách" thăng tiến" là "dùi mài kinh sử" để khi thi đậu làm quan "trước là đẹp mắt sau là ấm thân". Dòng họ vẻ vang, lương bổng ngày xưa rất ít, nhưng được nhận đủ thứ quà cáp công khai.
Thọ là sống lâu. Thời phong kiến, y tế chưa phát triển, chưa có thuốc trụ sinh, tiêm ngừa... nên sống đến 50 tuổi thì con cháu mừng rỡ bày ra lễ "ngũ tuần" rồi "lục tuần", "thất tuần". Ông Thọ được mô tả như người trán hói, lùn thấp vì theo quan niệm xưa, thân thể co rút lại, trở thành ngọc, tay chống gậy cong queo hoặc tay cầm một trái đào, loại đào tiên ăn vào sống mấy trăm năm tuổi!
Tóm lại, mấy cái tượng ông Phước, Lộc, Thọ chỉ là để tượng trưng cho một ước mơ hoài niệm.
st
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét